Trang

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Ai mới là "người rừng"?

Hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang hoảng loạn bỏ làng trốn bom đạn chiến tranh, 40 năm sống trong căn chòi cất trên cây dưới chân núi Apon thuộc Tây Trà (Quảng Ngãi) hẳn không ngờ rằng, một hôm, số phận lại đẩy họ vào một cuộc hoảng loạn khác: hoảng loạn bởi sự “thập diện mai phục” của truyền thông.

 Chuyện chưa kể về cha con 'người rừng'
 Ảnh: " Người rừng" Hồ Văn Lang ngày trở về


Chắn chắn, câu chuyện mà báo chí khai thác về đời sống “nguyên thủy” của hai cha con ông Thanh đã có độ giật gân đáng kể giữa một đời sống văn minh hiện đại, một thế giới mà phần đông cư dân sống trong nó được công nghệ thông tin và những bước nhảy trong tiêu dùng tiện nghi khuyến khích tin rằng, thế giới đã phẳng lì, chẳng còn gì để khám phá nữa. Vì thế, bức tranh hai cha con “người rừng” được đưa ra lúc này có thể gây cho người này sự hiếu kỳ, người kia sự thương hại, người này sự cảm phục, người kia sự bàng hoàng ngoài sức tưởng tượng.
Và dĩ nhiên, báo chí thành công trong việc lôi kéo đám đông về một sự kiện. mà nếu bằng tư duy lý tính, có thể thấy ít nhiều sự phi lý. Chẳng hạn các báo đều cố lờ đi chi tiết về khoảng cách không gian sống từ ngôi làng đến căn chòi của cha con ông Thanh, mà chỉ đưa thông tin “sau năm giờ vượt rừng lội suối” hay “vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng, băng qua nhiều ghềnh thác suốt hơn bốn giờ”. Ngoài ra, các báo đều kể lại rằng, trong 40 năm qua, gia đình họ hàng, thậm chí người làng vẫn vào ra tiếp xúc, tiếp tế muối, thức ăn, quần áo cho hai cha con ông Thanh, rằng hai cha con ông vẫn còn có thể nói được tiếng dân tộc Cor… Với những mảnh vụn thông tin đó, có thể xác định ngay, hai cha con ông Thanh sống tách biệt với cộng đồng dân cư, nhưng không đến độ “nguyên thủy” như khái niệm “người rừng” mà báo chí đã gắn nhãn.
Và không để sự việc lắng xuống, sau khi “giải cứu” cha con ông Thanh, báo chí đã dấn tiếp những bước quan trọng để kéo dài hiệu ứng truyền thông: đẩy những người bà con đang sống chung với ông Thanh trở thành sự kiện. Trên thực tế, nhiều người đã vì hiếu kỳ, kéo đến chụp ảnh, khai thác thông tin làm xáo trộn đời sống của thân nhân “người rừng”, khiến họ mệt mỏi, không còn nhiệt tình, lúc này nhiều báo đã đưa thêm thông tin thân nhân ông Thanh đòi tiền phỏng vấn và đời chi phí dẫn đi thực tế “nhà cây”. Không chịu được áp lực thông tin, trong đó có nhiều thông tin bịa đặt, người cháu của ông Thanh đã tự tay đốt ngôi nhà cây để cuộc sống gia đình không còn bị làm phiền nữa.

 Chuyện chưa kể về cha con 'người rừng'

Ảnh: Nhà của cha con "người rừng"

Nơi cư ngụ 40 năm, xem như gia sản của hai cha con ông Thanh đã bị chính cách khai thác sự kiện truyền thông gián tiếp châm mồi lửa thiêu rụi.
Đó là một kết thúc không có hậu với cha con nhân vật “người rừng”. Họ trở thành nạn nhân của thứ truyền thông cưỡng bức, thiếu tôn trọng quyền con người.
Trong cuốn Nhiệt đới buồn, Claude Levi-Strauss có kể câu chuyện thú vị về cuộc sống của một người Anh-điêng duy nhất thoát khỏi một cuộc càn quét tiêu diệt các bộ tộc còn man di ở vùng California. Trong nhiều năm, con người Anh-điêng cô độc đó đã sống ẩn dật, tiếp tục đẽo các mũi tên đá để săn bắn, hái lượm sinh sống ngay bên cạnh các thành phố lớn mà không ai biết đến. Nhưng rồi cây cối, chim chóc dần dà biến mất, một hôm, anh ta bị người thành phố phát hiện trong tình trạng trần truồng và sắp chết đói ở cửa ngõ một ngoại ô. Anh ta được đưa về làm người gác cổng ở Viện Đại học California. Strauss viết trong cay đắng: “Và anh ta đã kết thúc cuộc đời mình một cách thanh bình ở đó”.
Claude Levi-Strauss ông tổ của ngành nhân học nếu có dịp sống lại, sẽ rất nổi giận trước sự ứng xử tàn nhẫn của “khu rừng truyền thông” hôm nay trong vệt sự kiện “người rừng”. Và hẳn, ông sẽ cay đắng đặt ra câu hỏi: Ai mới là “người rừng”!?

 (Thời báo kinh tế Sài gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét