Trang

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

TẠI CÁI NGỰC LÉP HAY NÃO TRẠNG TEO TÓP?


 Trước thực trạng giao thông “hỗn loạn” tai nạn kinh khủng của đất nước, mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 12 nghìn người (tương đương với quân số 1 sư đoàn) gây nên  thảm cảnh đau thương cho biết bao gia đình. Những người có trách nhiệm lại mới có “sáng kiến” đưa ra dự thảo để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua hàng chục tiêu chuẩn về sức khỏe, trong đó có tiêu chuẩn muốn cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 phân khối  trở lên (bằng lái A1,B1)  thì bộ ngực phải đảm bảo có số đo không dưới 72 cm...

Vậy, tai nạn tại ‘bộ ngực’ chứ không phải ‘bộ chủ quản’ hay ‘bộ liên quan’!? Hóa ra, thơ Tố Hữu trong bài “Huế tháng Tám” lại vận vào đúng tháng Tám này:
" Ngực lép bốn nghìn năm
Trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên ..
Tim bỗng hóa mặt trời”
Những câu thơ hào sảng ấy  phải chăng chỉ ra cho Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải hiện thời có “cơ sở” luận giải  thì chính những bộ “ngực lép” đã có sức lay trời, chuyển đất làm nên những sự kỳ diệu cho đất nước. Mà ở đây, “ngực lép” cũng được hiểu theo đúng nghĩa đen, khi những người nông dân gày còm, ốm yếu vừa ôm ngực, vừa lao lên cướp súng giặc, diệt giặc cứu nước.
Ấy vậy, mà ngày nay một số hậu duệ  của những người “ngực lép” năm xưa lại không muốn cho những người “ngực lép” thời nay sử dụng một trong những vật dụng khiêm tốn của thời hiện đại là chiếc xe máy! Thế mới nên chuyện. Ngực lép hay phồng là do thực thể của mỗi người, dòng giống và điều kiện sống nữa. Những tầng lớp người dân nghèo khổ làm sao có bộ ngực nở nang để được quyền đi xe máy?
Nhìn ra thế giới, người đẹp Hollywood Angelina Jolie đã hy sinh bộ ngực đẹp của mình để phòng chống bệnh ung thư, vậy mà cô nàng vẫn ung dung được phép  lái xe ở ngay nước Mỹ và ở nhiều nước khác. Cô đã có biện pháp ‘dứt điểm’ để phòng thủ và hạn chế tối đa khả năng tai nạn ung thư cho bản thân mình bằng cách chọn phương án ‘ngực lép’.
Còn phương án ngăn cản người ‘ngực lép’ không được cầm lái liệu có tác dụng gì cho chúng ta giảm tai nạn giao thông ở nước ta hay không? Tai nạn giao thông xảy ra luôn luôn là tổng hợp rất nhiều các yếu tố không may xảy ra cùng một lúc, có các yếu tố bất ngờ và cả yếu tố phân tâm của lái xe,  yếu tố do chất lượng cầu đường, ánh sáng, độ thông thoáng, tình trạng tâm lý, và có không ít chi phối bất ngờ do may rủi…
Tai nạn giao thông ở nước ta vào hàng cao nhất trên thế giới, nhưng đã có những giải pháp gì để giảm bớt tai nạn? Trong quy hoạch giao thông, điều đặt ra đầu tiên là làm sao giúp cho người cầm lái được thuận tiện nhất, có tầm nhìn rộng nhất, có diện tích lòng đường để xoay sở tối đa, đạt được sự tập trung cao nhất ở các điểm nút, tiếng Anh dùng cụm từ rất dễ hiểu là “user-friendly”. Còn nhìn cách của chúng ta thì rất sợ, vì hình như chúng ta không lấy an toàn của con người là trọng tâm của giao thông. Thấy rõ cách quy hoạch và thu xếp giao thông của chúng ta đang tiềm ẩn bao nhiêu hiểm hoạ, mà con người sử dụng giao thông dù có biết là nguy hiểm đó mà cũng khó tránh vì hạ tầng giao thông nó là như vậy rồi.
Ngành giao thông  nước ta bỏ ra bao nhiêu tiền để xây đường, khi công bố lưu thông, là đạt tốc độ 100 km/giờ thế nhưng tốc độ tối đa lưu thông thực tế vẫn chỉ cho 40 hay 50 km/giờ.
Ngực to,  ngực nhỏ quả là cách nghĩ khiên cưỡng của những người có trách nhiệm lập ra quy định.  Phải xây dựng quy tắc, quy định và luật trên cơ sở an toàn và lợi ích của con người. Trong việc cấp giấy phép lái xe không hề có việc giáo dục người lái xe quy tắc ứng xử trong giao thông, mà chỉ là những quy định đi đường máy móc và “não trạng có vấn đề” như vấn đề ngực to, ngực lép.
Quy tắc ứng xử trong giao thông có việc phải giao lưu bằng mắt với những đối tác (các xe khác đang giao thông)  để hiểu ý nhau để cùng nhau di chuyển an toàn. Quy tắc ứng xử cũng bao hàm việc phải có ý thức nhường nhịn nhau trên đường. Không phải cứ cầm lái là sẵn sàng vào trận 'tao phải, mày trái' mà là vì sự an toàn cho chính mình và cho những người khác. Rất hiếm khi thấy người cầm lái chạy chậm lại để cho người ta qua đường, hoặc cho xe khác rẽ phải, rẽ trái. Phổ biến là vọt lên như đe dọa khách bộ hành, và vọt lên để cắt cúp trong các lối rẽ, là hành vi 'ma lanh' chỉ vì mình, mà không hề có sự cân nhắc gì tới sự an toàn giao thông chung, trong đó có vấn đề an toàn cho chính họ.
Quy tắc ứng xử cũng phải có cả việc cấm tình trạng dùng còi để thể hiện 'ý chí' của người cầm lái. Việc dùng còi đã đến mức không thể nào chịu nổi, là đề tài cho khách du lịch tới Việt Nam tha hồ bình luận, là sự khác người 'ta chẳng giống ai' mà chưa có những biện pháp cơ bản để khắc phục. Gần đây, đã có những chiến dịch , những phong trào, huy động thanh niên tình nguyện giăng biểu ngữ 'xin' mọi người bớt còi, có cảnh sát phạt xe còi to trong thành phố, mang lại những tác động rất tốt. Nhưng phong trào đến rồi phong trào đi, sau một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Đáng lẽ việc dùng còi như thế nào cũng phải được cho vào thành một phần của việc cấp bằng lái.
Ô nhiễm tiếng ồn đã là một vấn đề được thế giới quan tâm, nhưng trong các quy tắc quy định và biện pháp thực thi của chúng ta không cho thấy chúng ta có giác ngộ vấn đề này. Ngay trong vấn đề đào tạo, huấn luyện để cấp phép cho người lái taxi cũng vô cùng khiếm khuyết, họ phải qua kỳ thi trả lời các câu hỏi về 'Mác Lê" (cho đúng phép áp dụng với cơ sở đào tạo),  ít được giáo dục về ứng xử như là một người cung cấp dịch vụ. Vì họ học lý thuyết như vẹt nên những điều quan trọng trong điều lệ giao thông cũng thành trò cười 'biết chết liền" tức là họ chẳng cần biết, miễn sao có cái bằng lái để xin được việc là xong. Đáng lẽ ra,  họ phải được giáo dục để thực sự là những 'đại sứ du lịch', vì hỏi có khách nào tới VN mà không dùng taxi? 
Nếu nhìn vào bức tranh giao thông của VN thì còn nhiều bức xúc lắm, nhưng thật khó tin thấy có ai giàu trí tưởng tượng đến mức coi vấn đề ngực to, ngực lép lại là bức xúc hàng đầu được quy định luật pháp phải ưu tiên quan tâm!!!
Thế hóa ra:
“Năm xưa ngực lép đã phồng
Mà nay nghèo khó nên không thấy gì
Hóa ra đất nước thịnh suy
Cứ nhìn bộ  ngực ắt thì biết ngay
Hóa ra tai nạn mỗi ngày
Chỉ do ngực lép làm tay lái quảng
Sinh ra quy định trái ngang
Cho anh bơm ngực giúp nàng lái xe”
He…He…!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét